Lưu ý quan trong khi đưa bé đi xuất cảnh

Việc đưa trẻ xuất cảnh ra nước ngoài có thể trở nên phức tạp hơn khi người đi cùng không phải là bố mẹ của trẻ. Hoặc một trường hợp khác, nếu một đứa bé không phải quốc tịch Việt Nam nhưng được sinh ra trên lãnh thổ của Việt Nam và bố mẹ muốn đưa trẻ về quốc gia mà họ đang cư trú. Trước khi bắt đầu kế hoạch chuyến đi, bạn nên tìm hiểu kỹ về các yêu cầu và thủ tục cụ thể, cũng như các lưu ý quan trọng khi đưa trẻ em xuất cảnh để tránh các rắc rối không mong muốn và đảm bảo rằng chuyến đi của bé sẽ diễn ra một cách thuận lợi.

 

 

Khi xuất cảnh với trẻ dưới 18 tuổi, bạn nên kiểm tra lại một lượt các giấy tờ trước khi khởi hành:

  • Hộ chiếu của trẻ còn hạn sử dụng và hợp lệ.
  • Giấy phép nhập cảnh hoặc visa: Tùy vào yêu cầu và quy định nhập cảnh của mỗi quốc gia, bạn cần kiểm tra xem quốc gia đích có cần giấy phép nhập cảnh (visa) hay không.
  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ gia đình: khai sinh, giấy chứng sinh, đăng ký kết hôn... Các quy định có thể khác nhau tùy theo hãng hàng không và quốc gia đến.

 

Một vài trường hợp xuất cảnh cùng trẻ cần lưu ý như sau:

 

1. Nếu bé không đi cùng bố mẹ

 

Cần bổ sung giấy ủy quyền cho một người khác đưa bé đi, có xác nhận của cả bố mẹ và cơ quan địa phương. Giấy này thường yêu cầu thông tin chi tiết về bố mẹ và người đi cùng trẻ, bao gồm tên, ngày tháng năm sinh, quan hệ với trẻ và thông tin liên lạc. Điều này nhằm đảm bảo rằng trẻ em không bị mất an ninh và tránh khỏi những tình huống mạo hiểm hoặc bị lạm dụng. Ngoài ra, việc kèm theo giấy tờ tùy thân của bố mẹ (như hộ chiếu hoặc CCCD) cũng là một biện pháp bổ sung để chứng minh quan hệ và xác nhận sự đồng ý.

 

Bạn có thể tham khảo mẫu giấy ủy quyền tại đây.

 

2. Nếu chỉ có bố hoặc mẹ đưa bé đi

 

Nếu bé chỉ xuất cảnh với một trong hai người bố hoặc mẹ mà không có sự đồng ý của người còn lại, có thể đòi hỏi các giấy tờ phát sinh và quy trình pháp lý cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo quá trình xuất cảnh diễn ra suôn sẻ, bố hoặc mẹ nên có giấy đồng ý của người còn lại cho phép trẻ đi cùng mình và vẫn phải kèm theo giấy tờ tùy thân của người không đi cùng.

 

Bạn có thể tham khảo mẫu giấy đồng ý cho phép bé xuất cảnh cùng bố hoặc mẹ tại đây.

 

3. Trường hợp bé sinh ra tại Việt Nam và mang đồng thời hai quốc tịch

Khi bé sinh ra có bố hoặc mẹ mang quốc tịch nước ngoài và người còn lại có quốc tịch Việt Nam, bé sẽ được công nhận là công dân Việt Nam theo quy định hiện hành. Bố mẹ có thể đăng ký hộ tịch cho bé tại Việt Nam và yêu cầu cấp hộ chiếu Việt Nam để sử dụng khi xuất cảnh. Để nhập cảnh vào quốc quốc gia đích, bé phải có giấy phép nhập cảnh để chứng minh tình trạng lưu trú hợp pháp ở quốc gia đó.

 

Trong trường hợp này, bé mang song tịch nên bạn có thể liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia đó tại Việt Nam để xin hộ chiếu cho trẻ. Tuy nhiên, điều kiện và thủ tục "truyền" quốc tịch cho con phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Đối với một số quốc gia bạn phải xin giấy tờ xác nhận quốc tịch trước khi tiến hành xin hộ chiếu như Giấy báo sanh lãnh sự Mỹ, Chứng nhận quốc tịch Canada, Chứng nhận quốc tịch Úc...

 

4. Trường hợp bé sinh ra tại Việt Nam nhưng mang quốc tịch nước ngoài

 

Bé cần có hộ chiếu của quốc gia mà bé mang quốc tịch để bố mẹ đưa bé về quốc gia đó. Bạn nên liên hệ với đại sứ quán hoặc cơ quan di trú của quốc gia đó để biết thêm thông tin về quy trình làm hộ chiếu cho trẻ em. Đối với phía Việt Nam, bé cần có thẻ tạm trú hoặc visa để chứng minh rằng bé đang lưu trú hợp pháp hoặc có quyền xuất cảnh khỏi Việt Nam. 

 

Tương tự như trường hợp trên, nếu bé có cả 2 quốc tịch bao gồm Việt Nam và một quốc gia khác nhưng bạn không xin cấp hộ chiếu Việt Nam cho trẻ, bạn cũng cần phải xin thẻ tạm trú, thị thực Việt Nam hoặc một dạng thị thực được gọi là "visa cấp xuất" để đưa bé xuất cảnh. Giấy khai sinh có thể xác định quốc tịch của bé nhưng không thể sử dụng cho việc xuất cảnh. Vì vậy, visa này sẽ cho phép bé rời khỏi Việt Nam một cách hợp pháp.

 

Có 2 loại visa phổ biến phù hợp cho trẻ em mang quốc tịch nước ngoài:

  • Visa TT: được cấp cho mục đích thăm thân dành cho người nước ngoài là bố, mẹ, vợ, chồng, con của công dân Việt Nam. Thời hạn visa có thể lên đến 12 tháng, trong thời gian này trẻ em có quyền lưu trú, đi lại và xuất nhập cảnh theo quy định cụ thể của Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.
  • Visa VR: được cấp cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam với mục đích thăm thân, du lịch, học tập hoặc có việc riêng. Loại visa này sẽ ít phổ biến hơn là visa TT vì thời hạn visa không quá 6 tháng.

 

Nếu bố mẹ mong muốn để bé lưu trú lâu hơn tại Việt Nam, có thể xin thẻ tạm trú. Thẻ tạm trú cho phép trẻ ở lại Việt Nam trong một thời gian dài hơn so với visa thông thường. Thời hạn tối đa của thẻ tạm trú là 3 năm. Để biết thêm thông tin về thủ tục và yêu cầu cụ thể, bạn nên liên hệ trực tiếp với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.

 

Trên đây chỉ là một trong những lưu ý quan trọng khi đưa trẻ em xuất cảnh mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng các quy định và yêu cầu xuất nhập cảnh có thể thay đổi tùy theo quốc gia, thời điểm và một số tình huống đặc biệt. Do đó, hãy đảm bảo rằng bạn có đủ thông tin chính xác và cập nhật kịp thời về quy định xuất nhập cảnh của trẻ dưới 18 tuổi. Bạn có thể kiểm tra trực tiếp thông tin từ website của lãnh sự, hoặc liên hệ với hãng hàng không, Cục quản lý xuất nhập cảnh hoặc các cơ quan liên quan để được biết thông tin chi tiết.